Nhật ký sắc đẹp Nhật ký sắc đẹp

Hóa trang điện ảnh chưa thực sự được coi trọng, do kinh phí làm phim hạn hẹp, nên phần lớn các đạo diễn và nhà sản xuất đành tính đến sau cùng. Cho tới nay hóa trang điện ảnh vẫn thường bị đánh đồng với trang điểm.

Trên thế giới, cùng với sự ra đời của loại hình nghệ thuật thứ bảy, nghề hóa trang điện ảnh cũng xuất hiện rất sớm. Ông tổ của nghề này là Max Factor, một nghệ sĩ gốc Nga là người đầu tiên tạo ra tóc giả và lông mi giả sử dụng trong các bộ phim câm từ năm 1914, từ đó cái tên Max Factor trở thành một thương hiệu mỹ phẩm trang điểm chuyên nghiệp nổi tiếng.


Ở Việt Nam, nghề hóa trang điện ảnh được biết tới với những nghệ sĩ hóa trang đầu tiên phải kể đến NSƯT Nhữ Đình Nguyên, Nguyễn Thị Lam, Đặng Thanh Hảo,… Thế hệ kế tiếp là NSƯT Xuân Chính, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Thị Hường, Vương Lan Anh, Nguyễn Bích Thủy… Người làm nghề hóa trang điện ảnh ngoài các tố chất về năng khiếu như cảm nhận màu sắc, đường nét, óc thẩm mỹ tinh tế, khả năng quan sát tốt và đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo, còn rất cần sự trải nghiệm, lòng kiên nhẫn và hơn cả là một tình yêu nghề cháy bỏng. Bởi chỉ có tình yêu nghề mới có thể nuôi dưỡng những tố chất này và giúp họ vượt qua những thử thách đôi khi quá sức cả về thời gian, tiền bạc và sức khỏe.

Một trong những thử thách lớn nhất hện nay là mỹ phẩm và chất liệu đặc dụng. Các chuyên gia cho biết, họ thường phải nhập hàng đơn lẻ bởi trong nước chưa có những loại mỹ phẩm chuyên cho hóa trang. Bên cạnh đó, hiệu ứng của việc hóa trang còn phụ thuộc vào máy quay, ánh sáng, và cả điều kiện khí hậu. Bởi thế nên ở hậu trường phim Thiên mệnh anh hùng, chuyên gia trang điểm phải hóa trang nhiều lần vết sẹo của vai diễn Trần tướng quân (diễn viên Khương Ngọc), thậm chí phải pha lại hóa chất để tránh “vết sẹo” bị chảy do thời tiết quá nóng ẩm.

Trình độ, kinh nghiệm và mức độ dấn thân của những người theo nghề trang điểm điện ảnh thể hiện rất rõ qua việc tạo hình nhân vật. Một chuyên gia hóa trang bài bản cần học ít nhất 2 năm gồm các môn: trang điểm, nhân chủng học, giải phẫu, thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật ánh sáng, lịch sử, hiệu ứng hóa trang đặc biệt…

Trước đây, các nghệ sĩ hóa trang còn được học hỏi nhiều qua các dự án làm phim với nước ngoài. Còn hiện nay, thực tế đáng buồn là hóa trang điện ảnh chưa thực sự được coi trọng, do kinh phí làm phim hạn hẹp, nên phần lớn các đạo diễn và nhà sản xuất đành tính đến sau cùng. Vì thế, hóa trang hầu như bị đánh đồng với trang điểm, miễn sao “trắng mặt ăn tiền” hay “xinh như cô dâu” là được.


Cái “thần” của nhân vật đâu chỉ dừng lại ở vẻ ngoài xinh đẹp nhờ trang điểm, mà nó còn thể’ hiện ở việc “ngấm” kịch bản, sự tìm tòi, sáng tạo của các chuyên gia hóa trang để góp phần làm nổi bật lên cá tính vai diễn. Điện ảnh Việt Nam đang khởi sắc và đầy hứa hẹn, là thách thức lớn cho các chuyên gia hóa trang điện ảnh, khi lớp nghệ sĩ đi trước đang già đi, còn thế hệ trẻ vẫn đang loay hoay tìm đường.

Theo: Elle

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top